Ba năm ròng nghiên cứu nấm đông trùng hạ thảo

Sau khi nhân thành công nấm đông trùng hạ thảo Cordyceps Militaris trong môi trường nhân tạo và ký chủ nhộng, tằm, Viện Bảo vệ thực vật tiếp tục nghiên cứu thêm loại khác rất gần với loài mà con người đang khai thác ngoài tự nhiên – Cordyceps Sinensis.

Không chỉ thành công trong môi trường sinh khối – điều mà nhiều nhà khoa học khác trong nước đang thực hiện, tiến sĩ Phạm Văn Nhạ, Phó giám đốc Trung tâm đấu tranh sinh học (Viện Bảo vệ thực vật) đã trở thành người đầu tiên ở Việt Nam chế tạo nấm đông trùng hạ thảo trên ký chủ nhộng, tằm với tên khoa học Cordyceps Militaris.

Tốt nghiệp Đại học Nông nghiệp Hà Nội, tiến sĩ Nhạ về làm ở Viện Bảo vệ thực vật từ năm 1998, chuyên ngành nấm ký sinh côn trùng. Sau khi học thạc sĩ ở Hàn Quốc cũng về lĩnh vực này vào năm 2004, anh được thầy hướng dẫn đề nghị ở lại làm việc. Trăn trở về việc sẽ làm điều gì có lợi hơn cho ngành nông nghiệp nước nhà đã thôi thúc anh quay về làm nghiên cứu sinh. “Nhận thấy điều kiện trong nước  phù hợp cho nấm ký sinh côn trùng phát triển tốt, tạo điều kiện để thực hiện các nghiên cứu, nên tôi quyết định về nước”, anh Nhạ nói.

Trong quá trình làm về nấm ký sinh trùng, anh luôn mong muốn một ngày nào đó sẽ tạo thành công nấm đông trùng hạ thảo, loại dược liệu chữa bệnh cho con người. Nhưng do điều kiện về kinh tế, phòng thí nghiệm chưa có phép nên anh chưa bắt tay nghiên cứu mà chỉ tìm tòi tài liệu về loại nấm này.

Ba-nam-rong nghien-cuu-nam-dong-trung-ha-thao

Đông trùng hạ thảo trên ký chủ là con nhộng.

Ý tưởng đó đeo đuổi theo anh trong suốt 4 năm, cho đến một lần vào năm 2011 anh cùng đồng nghiệp sang Mỹ, thăm một trung tâm phòng chống ung thư và thấy hiệu quả trong nghiên cứu về đông trùng hạ thảo.

“Tôi nghĩ Việt Nam cũng có thể tạo ra loại dược liệu quý hiếm này nên ngay khi về nước tôi đã bắt tay vào nghiên cứu dựa trên kinh nghiệm về nấm ký sinh trùng và kiến thức tích lũy trong quá trình đọc và tìm hiểu về nấm đông trùng hạ thảo”, tiến sĩ Nhạ nói.

Về nước, anh quyết tâm đầu tư khoản tiền cá nhân để nhập giống đông trùng hạ thảo Cordyceps Militaris từ Trung tâm phòng chống ung thư của Đại học Missouri của Mỹ theo dạng đơn bào tử với chi phí hơn 1.000 USD một mẫu. Giống nấm này có nguồn gốc từ Tây Tạng (Trung Quốc) và được đại học của Mỹ phân lập.

Tiếp đó, anh tập trung tìm hiểu công nghệ nuôi trồng, trong đó đi sâu vào thành phần môi trường dinh dưỡng; các yếu tố tác động như sinh thái, thời tiết, nhiệt độ, ánh sáng; từ đó tạo điều kiện trong phòng thí nghiệm phù hợp cho nấm phát triển.

Để có một lứa đông trùng hạ thảo, mỗi lần thực hiện thí nghiệm phải mất hơn 3 tháng theo dõi ngày đêm. Ban đầu là nuôi cấy giống nấm vào ký chủ khoảng 35-40 ngày; tiếp đó là giai đoạn nấm phát triển ra quả thể thêm 60-75 ngày nữa.

Suốt ba năm, hết thí nghiệm này đến thí nghiệm khác thất bại liên tiếp, nấm chỉ phát sinh hệ sợi chứ không ra được quả thể. Luôn tâm niệm “cứ làm rồi sẽ thành công”, anh không nản chí.

Thời gian này, anh gần như không có ngày nghỉ, bất kể lễ tết. “Vợ tôi nhiều lúc cứ cằn nhằn làm nhà nước gì mà không có thứ 7, chủ nhật, nhưng vẫn tạo điều kiện để tôi tiếp tục công việc”, anh Nhạ cười nói.

Lúc này, nhiều người khuyên anh nên dừng việc nghiên cứu đông trùng hạ thảo, vì đây là loại dược liệu không phải ai cũng có thể làm được. “Thậm chí có người còn nói tôi hâm vì vẫn làm mà không biết kết quả thế nào”, tiến sĩ Nhạ nói. Gạt ngoài tai tất cả vì “đã có định hướng cho riêng mình rồi”, anh tiếp tục chạy vạy, vay mượn tiền bạc tập trung cho nghiên cứu và rất may nhận được sự ủng hộ từ bạn bè và người thân.

Sự kiên trì của anh Nhạ cuối cùng cũng được đền đáp xứng đáng khi cuối năm 2013, đầu 2014, mẻ nấm đầu tiên bắt đầu lên quả thể. “Không thể kể được sự sung sướng lúc đó như thế nào, cứ như đón đứa con đầu lòng ra đời vậy”, anh Nhạ nói.

Từ thành công bước đầu này, anh cùng đồng nghiệp tại Trung tâm đấu tranh sinh học thực hiện nhân nuôi bằng phương pháp ở môi trường nhân tạo nhân sinh khối lượng và nuôi trực tiếp trên ký chủ là con nhộng và con tằm. Nhộng và tằm có thể làm thức ăn cho con người nên nó sẽ không gây hại đến sức khỏe.

Ba-nam-rong nghien-cuu-nam-dong-trung-ha-thao-2

Đông trùng hạ thảo trên ký chủ là con tằm.

Do điều kiện kinh phí nên Trung tâm tập trung vào hai hợp chất dinh dưỡng chính là Cordycepin có chức năng phòng chống u xơ, tiền ung thư và Adenosin là thuốc điều trị trong tim mạch. Trong đó, Cordycepin đạt 0,14 mg/gram sinh khối và Adenosine là 0,32mg/gram sinh khối. Kết quả này cao hơn nhiều lần so với sản phẩm cùng loại được nhập khẩu từ Trung Quốc.

Đến nay sản phẩm đã được bán ra ngoài thị trường và nhận được phản ánh tích cực. Đông trùng hạ thảo trên con ký chủ có giá 8 triệu đồng một lạng; còn trên môi trường sinh khối là 7-8 triệu đồng một kg. Dù số tiền so với giá ngoài thị trường và từ Trung Quốc đã giảm đi rất nhiều, nhưng nhóm nghiên cứu vẫn còn trăn trở làm thế nào để giá thành được giảm tiếp, để người nghèo có thể tiếp cận được.

Ba-nam-rong nghien-cuu-nam-dong-trung-ha-thao-3

Tiến sĩ Nhạ cho biết, nhóm sẽ tiếp tục kiên trì loại đông trùng hạ thảo Cordyceps Sinensis trong thời gian tới.

Vì vậy thời gian tới, tiến sĩ Nhạ cùng đồng nghiệp có kế hoạch liên kết với doanh nghiệp nào đó có tiềm lực về kinh tế và có “cái tâm” vì nó liên quan đến sức khỏe.

Nói về thành công tiến sĩ Nhạ cho biết người nghiên cứu cần hội đủ ba yếu tố là kiến thức cơ bản, mạnh dạn tư duy lĩnh vực mới và phải mạnh dạn đầu tư về kinh tế thay vì chờ đầu tư từ nhà nước.

Về kế hoạch trong năm 2015, tiến sĩ Nhạ cho biết, anh cùng đồng nghiệp sẽ tiếp tục nghiên cứu thêm loài đông trùng hạ thảo Cordyceps Sinensis, trên ký chủ là con tằm. Nếu thành công thì đây sẽ là nhóm nghiên cứu đầu tiên của Việt Nam tạo ra bước đột phá mới về dược liệu quý hiếm mà con người khai thác ngoài tự nhiên trên đỉnh núi cao.

“Đã hơn một năm nghiên cứu, nhưng nấm được cấy trong ký chủ tằm vẫn chưa lên quả thể. Nhưng tôi tin thời gian tới chúng tôi sẽ thành công”, tiến sĩ Nhạ nói và cho biết không thể áp dụng công nghệ của Cordyceps Militaris sang loài nấm này được.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

*