Theo Tây Y, nhung có tác dụng bổ toàn thân, tạo huyết, bổ tim ảnh hưởng tốt đến chuyển hoá các protid, glucid… dùng chữa các chứng bệnh do thận dương không đủ. Nam giới liệt dương, đái són, váng đầu, ù tai, đau lưng, mỏi gối, trẻ em chậm lớn, chậm biết đi, phụ nữ kinh nguyệt ra quá nhiều, chảy máu tử cung, bạch đới.
Tên khoa học:
Con hươu: Cervus porcinus (= Cervus nippon Temminck), họ Hươu (Cervidae).
Còn gọi:
Lộc (Trung Quốc) – Hươu sao – Cerfmoucheté cerf tacheté (Pháp) – Red deer (Anh)
Tên khác:
– Gạc hươu, nai – Lộc giác (Trung Quốc) – Deerhorn – Antler (Anh).
– Nhung hươu, nai – Lộc nhung (Trung Quốc) – Hairy Antler (Anh).
Bộ phận dùng:
– Nhung là sừng non lấy ở con đực của các loài hươu, nai… (Conrnu Cervi parvum). Đã được ghi vào Dược điển Việt Nam (1977)
Như vậy Dược điển Việt Nam (1977), ghi mở rộng: các loài hươu nai. Nhung hươu, nai cũng đã được ghi vào Dược điển Trung Quốc (1963) và (1997) ghi mở rộng sang nhung hươu ngựa (Cervus elaphus Lin).
– Gạc: Là sừng già lấy ở các con hươu, nai đực (Cornu Cervi), còn gọi Lộc giác (Trung Quốc). Đã được ghi vào Dược điển Việt Nam (1977). Phần định nghĩa tiếng Việt không mở rộng như ở chuyên mục nhung, nhưng tên khoa học (latin) có thể cho hiểu là các loài hươu, nai. Gạc hươu nai cũng đã được ghi vào Dược điển Trung Quốc (1963). Gần đây đã dùng nhung, gạc của hươu, nai, Mông Cổ, to hơn nhung, gạc hươu, nai ta, chất lượng cũng kém hơn.
– Con hươu đực thường cao độ 1m, dài 0,09 – 1,20m, hươu cái nhỏ hơn chỉ cao độ 0,70m. Lông mịn, đẹp mầu đỏ hung, có nhiều đốm trắng (như sao).
– Con nai to lớn hơn con hươu, lông cứng hơn, mầu nâu xám, không đốm.
Cả 2 loài hươu, nai đều có chân dài, nhỏ, đuôi rất ngắn, 2 mắt rất to, ban đêm rất bắt đèn, cuối mắt (vào phía giữa sống mũi) có 1 đốm đen khá to, khi tấn công thì giương ra như thêm 1 mắt nữa, nhưng không có con ngươi. Chỉ con đực mới có sừng. Từ 2 tuổi trở lên, hươu, nai đực bắt đầu mọc sừng, nhưng từ 3 tuổi, nhung, gạc mới tốt. Hàng năm cuối mùa đông, gạc cũ của hươu nai rụng đi (ở vườn thú Hà Nội là cuối tháng 3 – gần 24/3). Ngoài thiên nhiên hoang dã, hươu nai sẽ ra cọ vào thân cây cho gạc rụng. Theo kinh nghiệm của những người đi rừng, nếu không có biến động, nó sẽ cọ sừng vào đúng gốc cây cũ năm trước, cần nhớ thời gian và địa điểm mà thu lượm gạc.
Đầu tháng 12, những tổ chức sống của xương trán rút calci của gạc, kích thích hươu nai cọ, húc vào thân cây cho rụng gạc, thành sẹo – Rồi đầu mùa xuân năm sau 2 bướu mới lại xuất hiện.
Mùa xuân, nhung mọc trên những trục (pivot) của các xương trán con vật.
Những mạch máu trong nhung là những nhánh của những động mạch thái dương (artère temporale). Quá trình tạo thành nhung ở đầu tạo thành mạng lưới mạch máu mới, còn những mạch máu cũ bị khối xương ép nên teo dần. Khi đang phát triển nhung chứa nhiều máu, sờ mềm, núng núng, và thấy nóng, ấm ở phía đầu nhung tròn.
Khi hết thời kỳ phát triển thì gạc bao mi gồm xương chết, bao bởi da sống. Lúc đó tỉ lệ testosteron trong máu tăng, tuần hoàn máu chậm lại, gây thiếu máu cục bộ (ischémie). Da chết, rách dần, khô dần, bong ra và rơi rụng, thành gạc.
Mùa thu khi nhung cứng thành gạc là thời kỳ động đực của hươu, nai. Hươu, nai đực kêu, đánh nhau, đấu gạc với nhau, con nào thắng sẽ chiếm con cái. Hươu, nai cái chỉ động hớn (rut) trong thời gian 24 giờ. Quá hạn đó lại phải chờ 18 ngày sau (1 chu kỳ kinh của hươu cái). Sau 7 tháng rưỡi thì con cái đẻ hươu, nai con.
Thường đẻ 1, có khi 2 con. Con bú 4 tháng, đến 3 tuổi thì trưởng thành. Hươu, nai sợ chó sói, hổ, báo, gấu.
Những năm gần đây do nạn phá rừng bừa bãi, môi trường sống, thức ăn của hươu, nai hoang dã cạn dần, số lượng hươu, nai hoang dã giảm nhiều, tiếng hươu nai kêu trở nên hiếm. Hươu, nai thường ăn cỏ, quả cây, nhất là cây non. Nuôi cho ăn lá tre, lá mít, lá duối, lá sung, khoai lang, cây ngô non, pha sắn, bí đỏ …
Những năm 80 – 90 có phong trào nuôi hươu, nai (nhất là hươu sao) ở Nghệ An, Hà Tĩnh, Đông Nai nhưng vài năm trở lại đây cung đã vượt quá cầu, phong trào lại xẹp, thậm trí còn làm thịt hươu nai do lỗ vốn, không có nơi tiêu thụ.
Nhung hươu có giá trị, đắt hơn nhung nai, nhưng nhung nai lại to và nặng cân hơn, hơn nữa nuôi nai dễ, ít bệnh tật, ít vốn hơn huôi hươu.
Thu hoạch chế biến:
– Gạc hươu nai hoang dã, thu nhặt trong rừng, thời gian cuối đông.
– Gạc do nuôi ít, vì người ta thường cưa nhung mang lợi ích kinh tế hơn; gạc hươu nhỏ, chắc tốt hơn gạc nai.
– Gạc hươu nai liên tảng là gạc những con hươu, nai do săn bắt, thì trị giá hơn, nhưng cũng hiếm hơn vì chúng ta cần bảo vệ cho hươu nai phát triển.
– Hươu, nai càng già càng nhiều nhánh gạc, nhất là lúc 8 tuổi, sau thoái hoá dần thành hình lưỡi kiếm không có nhánh.
– Mùa nhung của hươu vào tháng 2 – 3, nhung hươu lông trắng, nhung hồng quý đắt hơn tuy nhẹ nhỏ hơn. Mùa nhung của nai vào tháng 4 – 5 (chậm hơn): Nhung nai lông nâu, nhung sẫm, rẻ, tuy to, nặng hơn nhung hươu, thời gian đó còn phụ thuộc loại nhung ta định lấy.
– Nhung yên ngựa, hơi lõm ở giữa mới chia 2, nhánh phụ chưa phân: Quý đắt nhất (sớm hơn).
– Nhung gác sào 1: Nhánh dài bắt đầu chớm chia nhánh phụ (chậm hơn).
– Nhung gác sào 2: Nhánh dài lại tiếp tục chia nhánh phụ thứ 2 (chậm hơn nữa). Một đôi nhung hươu sao (gác sào 1) tươi, đem cưa trung bình nặng 600g.
Tiến hành cưa nhung:
Khoảng tháng 2 – 3 khi cặp nhung đã đạt tiêu chuẩn, người ta lùa hươu vào 1 cái văng (khung bằng gỗ), chặn trước, chặn sau, chặn trên lưng, chặn dưới bụng, buộc 2 chân sau hoặc cả 4 chân, có khi thêm 1 cái rọ ở mồm, 1 người giữ đầu, 2 người cưa 2 nhung cùng 1 lúc cho nhanh, cưa cách đế nhung độ 3cm. Cưa xong dốc ngược nhung, mặt bị cưa ngửa lên trên. Đắp ngay mặt bị cưa của con hươu bằng bột tam thất (thay bột than hoạt tính, bằng gáo dừa đốt tán mịn) lấy gạc băng lại rồi thả hươu ra.
Mặt bằng của nhung sau khi cưa cũng làm như vậy. Đem sấy trong 1 tủ sấy tự động, ở nhiệt độ dưới 50oC, đưa nhiệt độ lên từ từ từ 40oC lên 50oC. Tránh làm đột ngột tăng nhiệt độ, nhung sẽ bị nứt. Song bảo quản trong thùng nước ẩm (silicagel hay vôi sống).
Không có tủ sấy, phải làm những thùng tôn rộng, sấy bằng hơi nóng, có nhiệt kế theo dõi. Trung bình tỷ lệ khô/tươi sau khi sấy là 1/3 hay 2/5 (nhung non chỉ 1/3, nhung già 2/5). Nhiều khi khách hàng yêu cầu nhung tươi từ Hà Tĩnh, Nghệ An. Người ta có thể cưa nhung rồi chuyển nhung tươi ra Hà Nội trong phích đá hay túi nylon đá.
Không nên để máu phụt ra ở đầu hươu rồi hứng chậu có rượu để uống, như vậy rất ảnh hưởng đến sức khoẻ hươu, lâu hồi phục.
Thành phần hoá học:
Sơ bộ: gạc nhung hươu, nai chứa các chất calci phosphat, calci carbonat, các acid amin, (tryptophan, lysin, threonin…), các men catalase, peroxydase, rất nhiều nguyên tố như: Ca, P, Mg, Asl, Na, K, Fe, Ca, Co … chất keo. Nhung còn chứa nhiều hormon, (oestrogen, androgen, prostaglandin… ) Chính nhung là do tác động của testosteron tạo nên. Người ta đã tiến hành thí nghiệm sau:
– Sau khi gạc già năm trước rụng mà hoạn con hươu đực: sẽ thôi không lên nhung.
– Nếu chỉ hoạn 1 bên dịch hoàn thì chỉ bên không bị hoạn sẽ mọc 1 nhung.
– Nếu hoạn, rồi tiêm testosteron: nhung sẽ lại mọc bình thường
– Nếu tiêm oestrogen thì nhung hay gạc sẽ ngừng phát triển. Gạc những con hươu non thường không sần sùi như gạc hươu già.
Công dụng:
Theo Đông y, gạc hươu nai được coi là vị thuốc bổ dùng trong các trường hợp cơ thể suy nhược, thần kinh suy nhược, lao động chân tay và trí não quá tải…
Cũng theo Đông Y, nhung hươu nai vị ngọt, tính ấm, vào 4 kinh: can, thận, tâm, tâm bào. Có tác dụng ôn thận, tráng dương, bổ tinh khí, bổ máu, làm mạnh gân xương.
Theo Tây Y, nhung có tác dụng bổ toàn thân, tạo huyết, bổ tim ảnh hưởng tốt đến chuyển hoá các protid, glucid… dùng chữa các chứng bệnh do thận dương không đủ. Nam giới liệt dương, đái són, váng đầu, ù tai, đau lưng, mỏi gối, trẻ em chậm lớn, chậm biết đi, phụ nữ kinh nguyệt ra quá nhiều, chảy máu tử cung, bạch đới.
Liều dùng:
Nhung hươu, nai: 0,5 – 3g, thường dùng dưới dạng bột, hoàn, rượu thuốc.
Lưu ý:
Người có thực nhiệt bên trong, người huyết áp cao, không được uống nhung.
– Những người còn trẻ, sức khoẻ bình thường dùng phải có theo dõi.
– Khi dùng phải đốt nhanh lông nhung bằng cách hơ qua lửa cồn đốt trên đĩa.
– Nhung hươu thường hay bị làm giả để kiếm lợi bất chính. Họ tạo hình thù bằng cách lột da lông chó, dê con, thỏ rồi nhét tiết lợn, xương non vào, có khi thêm xi để cho phía trên chắc không lủng củng, phía đầu vẫn để mềm, tròn, bôi thêm phẩm đỏ, nâu nhạt. Nếu cần có thể dùng phương pháp điện di miễn dịch xác minh.