Mật gấu là một loại mật được lấy từ gấu ngựa được sử dụng làm dược phẩm ở Việt Nam và một số nước châu Á. Theo y học cổ truyền và kinh nghiệm dân gian, mật gấu với tên thuốc là hùng đởm có vị đắng, ngọt mát, tính hàn, mùi thơm dịu, có tác dụng đặc hiệu giảm các chứng đau, tiêu viêm tán ứ, diệt trừ vi khuẩn.
Thành phần hóa học của mật gấu gồm sắc tố mật bilirubin, cholesterol, muối mật, acid cholic, đặc biệt là chất acid ursodesoxycholic (chỉ có trong mật gấu) ở dạng liên kết tạo thành muối mật tanro-ursodesoxycholat làm cho chất mật sáng bóng óng ánh. Muối mật này là tiêu chuẩn để đánh giá chất lượng của mật gấu và phân biệt thật, giả. Dược liệu được dùng trong những trường hợp sau:
– Chữa viêm tấy, đau nhức, tụ máu bầm tím do ngã hay chấn thương, hoàng đản: Lấy 0,5g mật gấu khô hòa vào nước ấm mà uống, ngày 3-4 lần. Hoặc 0,5-1g hòa vào 10ml rượu 45o để xoa bóp. Có thể phối hợp mật gấu với mật trăn, huyết lình, nghệ trắng, rễ ô đầu, nhân hạt gấc, ngâm rượu dùng xoa bóp chữa bong gân, sai khớp. Đặc biệt, chất acid ursodesoxycholic trong mật gấu làm giảm sưng đau nhanh và mạnh hơn.
– Chữa mắt đau sưng đỏ, có màng mộng: Lấy 1-2g mật gấu khô mài với nước đun sôi để nguội, lọc, dùng nhỏ mắt hằng ngày. Dung dịch nước cất chữa 2-3% mật gấu dùng nhỏ mắt còn làm tan máu nhanh trong vòng 2-3 ngày đối với trường hợp xuất huyết dưới kết mạc do chấn thương hoặc do biến chứng của bệnh sởi, cúm, ho gà. Chú ý: Các dạng bào chế mật gấu dùng nhỏ mắt đều phải được tiệt khuẩn và chỉ dùng từ 5-7 ngày đối với dạng pha chế đơn giản.
Ngoài ra, mật gấu còn chữa viêm loét dạ dày, mật và tụy hoạt động kém, sỏi mật, viêm khớp, viêm xoang, đái tháo đường, bệnh phụ khoa. Gần đây, mật gấu đã được ứng dụng điều trị bệnh xơ gan. Một số trường hợp ung thư cũng đã được điều trị bằng uống mật gấu kết hợp với các phương pháp trị liệu khác như hóa trị liệu, chiếu xạ, phẫu thuật.
Để có mật gấu tốt bảo đảm hiệu quả điều trị cao, cần chú ý từ khâu thu hoạch chế biến đến khâu nhận dạng, phân biệt thật, giả.
– Thu hoạch, chế biến: Theo kinh nghiệm của nhân dân, mật gấu thu hoạch vào mùa xuân có phẩm chất tốt hơn. Khi bắt được gấu, người ta cắt ngay lấy túi mật, buộc chặt miệng túi để nước mật khỏi chảy mất, gỡ bỏ lớp mỡ bám ở ngoài túi, để nguyên treo trên giàn bếp cho khô hoặc lấy hai bản gỗ mỏng kẹp túi cho dẹt lại rồi để ở chỗ thoáng gió, râm mát cho khô, rồi bảo quản trong hộp kín, dưới đáy hộp có vôi cục để hút ẩm. Tuyệt đối không phơi túi mật ra nắng hoặc sấy khô. Nếu lấy nước mật ra khỏi túi (dạng mật gấu tươi) thì phải làm đông khô hoặc cho ngay vào rượu hoặc mật ong để bảo quản, không nên để quá lâu dù chỉ vài tuần.
– Nhận dạng: Túi mật có hình trứng dẹt, to nhỏ không đều, phần miệng thuôn nhỏ hẹp, phần đáy phình to, thường dài 10-20cm, rộng 5-8cm. Mặt ngoài nhẵn, màu nâu xám hay đen xám, có những nếp gấp còn bám ít màng mỏng mỡ, thịt. Khi soi túi ra ánh sáng thấy phần trên trong suốt, phần giữa và phần đáy có màu sẫm. Nếu cắt mở túi sẽ thấy nước mật khô gọi là “đởm nhân” ở dạng cục khối, dạng hạt lổn nhổn hoặc dạng sánh đặc màu sẫm nhạt không đều, óng ánh, mùi thơm dịu.
Chất mật là thứ “đởm nhân” trong, màu vàng kim loại óng ánh như hổ phách, chất xốp giòn, vị đắng, sau ngọt gọi là “kim đởm” hay “đồng đởm”. Thứ màu đen, chất chắc giòn hoặc ở dạng sánh đặc là “mặc đởm” hay “thiết đởm”. Thứ màu lục vàng, ít óng ánh, chất kém giòn là “thái hoa đởm”.
Dược liệu tốt là thứ túi to, “đởm nhân” màu vàng kim loại óng ánh, vị đắng sau ngọt. “Đởm nhân” màu lục vàng, vị đắng sau không thấy ngọt là loại kém.
theo: suckhoedoisong